Ngọt bùi kẹo lạc Nghệ An với ký ức tuổi thơ

Bình chọn 5 sao post

Nhắc đến đặc sản Nghệ An người ta thường hay nghĩ về cu đơ, lươn xứ Nghệ. Trong đó cu đơ là món quà mà được khách du lịch lựa chọn nhiều nhất khi mua làm quà.

Ngoài tiếng gọi cu đơ thì người dân Xứ Nghệ vẫn còn cái tên khác đó là kẹo lạc, vậy tại sao lại gọi kẹo lạc là cu đơ. Bài viết này xứ Nghệ today sẽ giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về món kẹo lạc.

Kẹo lạc Nghệ An

Kẹo lạc hay cu đơ

Vì sao lại có tên là cu đơ?. Để hiểu rõ hơn bạn đọc hãy theo dõi tiếp bài viết dưới đây.

Ngày xưa, ở một làng nọ thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, một gia đình nọ có hai đứa con trai khôi ngô tuấn tú nhưng nhà lại rất nghèo. Một ngày nọ, cậu con trai cả vẫn bẽn lẽn thưa với bố mẹ là sẽ cưới vợ. Họ làm quần quật suốt ngày mà cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, thì lấy đâu ra tiền cưới vợ?

Hai ông bà lo lắng không biết lấy đâu ra tiền mua đồ sính lễ. Nhà lại không có rượu, không có heo, không có nếp lấy gì mà đãi bà con làng xóm. Trong lúc bế tắc, người cha mới đánh liều nấu mật mía sôi lên rồi đổ lạc (đậu phộng) vào.

Khi đem ra đãi, ai ăn cũng tấm tắc thấy ngon. Được mọi người ưa thích, ông tiếp tục nấu và đem đi bán ở những làng lân cận. Từ đó, kiểu nấu mật mía với lạc lan được rộng khắp huyện Hương Sơn. Hồi đó mọi người gọi là kẹo lạc

Nhưng nếu gọi như thế thì thấy bất công với người tạo ra kẹo lạc, nên nhân dân trong làng gọi thành kẹo “cu Hai”, (cu là tên gọi thân mật dành cho con trai như cu Tèo, cu Tý…) ý chỉ một người cha có 2 người con trai.

-27%
40.000
-22%

Sau này khi phong trào Tây học nở rộ, người dân đã thay đổi cách gọi từ “Hai” bằng tiếng Pháp là “Deux” cho  “trí thức”. Do đó, kẹo ‘cu Hai” biến thành “cu deux”, đọc là cu đơ.

đặc sản Nghệ An Hà Tĩnh kẹo cu đơ
Kẹo cu đơ ngày nay

Kẹo lạc gắn với ký ức tuổi thơ

Tại sao nói kẹo lạc gắn với tuổi thơ?. Đây là quan điểm của cá nhân tôi người đang viết bài này, những người thuộc thế hệ 7x, 8x như chúng tôi trên địa bàn huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn…đều gắn liền tuổi thơ với miếng kẹo lạc.

Còn nhớ vào mùa đông cứ mỗi lần trong xóm có một gia đình nào đó nấu kẹo lạc mùi lạc rang thơm phức cả xóm. Và bọn trẻ chúng tôi đi học thường có miếng kẹo gói giấy bỏ vào cái túi mang đi học hoặc đi chăn trâu để có cái mà chén.

Thế hệ chúng tôi thuộc các huyện nghèo miền núi Nghệ An, hồi còn nhỏ nói đến bánh kẹo đó là thứ xa xỉ. Tuổi thơ chúng tôi chỉ biết đến miếng kẹo xem như là món ăn vặt thay cho bánh kẹo thời nay, hay nói cách khác người lớn giỗ trẻ nhỏ bằng miếng kẹo lạc.

Miền tây Xứ Nghệ đất cằn sỏi đá, quanh năm chỉ có cây sắn với mía. Dân miền núi cứ mỗi gia đinh một quả đồi với sắn và mía. Mía ép thành nước và nấu thành mật mía, và mật mía lại kết hợp với lạc để có được miếng kẹo lạc thơm phức.

Cách nấu kẹo lạc Nghệ An

Kẹo lạc đêm quây quần cùng xóm nhỏ

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo Xứ Nghệ, những năm 70,80 đêm đến cả gia đình quây quần bên chiếc đè dầu. Chẳng biết từ bao giờ khi tôi lớn lên đã có thói quen cả xóm tụ tập vào một gia đình để uống nước.

Trong một xóm nhỏ cứ thay phiên nhau mỗi gia đình nấu nước chè xanh một hôm, nay nhà này mai nhà kia. Và cứ thế quanh năm hết ngày này qua ngày khác, không kể đêm đông giá rét, hay mùa hè oi bức.

Và từ đó cũng sinh ra nồi kẹo lạc để cả xóm quây quần bên nhau chè chát, thuốc lào và kẹo lạc. Với một ấm nước chè xanh, mâm kẹo lạc thế nào một xóm nhỏ tầm 5-7 gia đình quây quần vừa ăn vừa uống nước vừa nói chuyện.

Để có được một nồi kẹo ngon thì đòi hỏi người nấu phải có kinh nghiệm và nấu kẹo vừa đủ độ đặc. Đầu tiên, rang lạc chín đều, sau đó bắc mật mía lên bếp. Để nồi kẹo được ngon và đều thì người nấu phải ngồi canh mật và đảo đều tay.

Với người nấu sành thì khi nhìn mật sôi sẽ biết được đến thời điểm cho lạc vào, khi cho lạc vào thì phải đảo liên tục không được dừng tay, nếu dừng thì mật sẽ cháy khét và kẹo không ngon.

Bên cạnh nồi mật sẽ có một bát nước để kiểm tra độ dẻo của kẹo khi thành phẩm. Sau khi mật đặc đạt thành phẩm thì đổ ra mâm lót giấy ở dưới. Tuỳ mỗi gia đình, có gia đình thì dùng mỡ bôi lên mâm để chống dính. Gia đình nào có giấy sẽ dùng giấy, có khi không có các thứ trên lá chuối là vật thay thế. Khác với miếng cu đơ bây giờ người ta thương mại sẽ đổ kẹo lên bánh đa gạo hay bánh xốp.

Cách nấu kẹo lạc
Khác với cu đơ ngày nay bán trên thị trường, kẹo lạc thành phầm được đổ lên mâm và dùng dao cắt thành từng miếng.

Cứ mỗi lần nhắc đến hay nhìn thấy miếng kẹo lạc ở đâu đó trong tôi bao kỷ niệm xưa cứ ùa về. Nay đã xa quê làm ăn nhưng những ký ức của tuổi thơ, những miếng kẹo lạc, miếng cu đơ gợi cho tôi nỗi nhớ nhà, nhớ người cha già ngồi bên bếp quấy đảo nồi mật cho các con.

Ai sinh ra nơi miền tây Xứ Nghệ, mảnh đất nghèo nhưng tinh thần bất khuất đến nay đất nước phát triển những phong trào xưa không còn, nhưng với chúng tôi mãi mãi không quên những ký ức đó./.

Bài viết của bạn đọc gửi về xunghetoday thể hiện quan điểm của mình, cảm ơn bạn đọc đã chia sẻ những ký ức tuổi thơ của mình. Rất mong được nhiều bài viết đóng góp của bạn đọc!

Ngụy Đình Kỳ

Ngụy Đình Kỳ mình là người con của quê hương Xứ Nghệ những gì mình viết trên đây đều từ trải nghiệm của bản thân. Mình sinh ra và lớn lên trên miền tây Xứ Nghệ nên những đặc sản, món ăn hay các điểm du lịch mình đều hồi ức và viết lại. Những bài sắp tới mình sẽ viết những trải nghiệm của bản thân những nơi mình đã đặt chân tới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *